Ngày 13 tháng 3 năm 2023 trường mầm non Bắc Hưng tổ chức cho trẻ “Tham quan khu di tích lịch Đình đền chùa Xuân Úc”. Một hoạt động trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa đối với trẻ mầm non.
Hoạt động trải nghiệm tham quan dã ngoại có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ mầm non. Trẻ mầm non rất thích hoạt động và tìm hiểu thiên nhiên, cuộc sống xung quanh trẻ. Trải nghiệm là quá trình nhận thức, khám phá đối tượng bằng việc tương tác với đối tượng thông qua hành động tri giác bên ngoài như nhìn, nghe, sờ....và quá trình tâm lý bên trong như chú ý, tư duy, tưởng tượng, ghi nhớ... Thông qua đó trẻ có thể học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu, tích lũy được những kinh nghiệm cho bản thân và hoàn thiện các kỹ năng trong cuộc sống. Dạy học thông qua trải nghiệm là một phương pháp có nhiều ưu điểm và kích thích được các tiềm năng trí tuệ của trẻ.
Cô và trò rất háo hức trước giờ xuất phát lên xe đi thăm quan trải nghiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ đi trải nghiệm và để thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Ngày 13/3/2023 trường Mầm non Bắc Hưng phối hợp cùng các bậc phụ huynh học sinh tổ chức cho trẻ đi trải nghiệm “Thăm quan khu di tích lịch sử Đình Đền Chùa Xuân Úc”. Mục đích của chuyến tham quan trải nghiệm là cho trẻ tìm hiểu về khu di tích lịch sử của địa phương, lòng biết ơn sâu sắc đến các vị hiền tài của dân tộc, nâng cao sự hiểu biết của trẻ về môi trường văn hóa -xã hội - lịch sử, qua đó hình thành tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Qua đó trẻ được vui chơi tự do ngoài trời theo ý thích, tạo cho trẻ tâm thế thỏa mái, phát triển ở trẻ khả năng hoạt động tập thể, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, có ý thức tham gia các trò chơi nơi công cộng.
Cụm di tích lịch sử Đình – Đền – Chùa Xuân úc là một trong ba di tích lịch sử gồm Đình Đoài- Đền Phủ và Chùa Phong Quang nằm trong cụm 4 xã Nam, Bắc, Đông và Tây Hưng.
1. ĐIỀN MẪU
Đền Phủ là một trong ba di tích lịch sử được xây dựng năm 1840. trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử chiến tranh và thiên nhiên
Năm 2012 Đền được xây dựng lại theo kiến trúc cổ, Tiền Nhất, Hậu Đinh
Là nơi thờ Đức Kim Hoa thần Mẫu Ngọc Thanh Công Chúa. Đời nhà Trần thế kỷ thứ 13, tên húy là Trần Thị Ngọc
Sinh thời Công Chúa giỏi về Nho, Y, Lý, Số, văn võ song toàn, có công cùng dọc tộc nhà Trần chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3
Hình ảnh cô và trẻ thăm quan và dâng hương đền mẫu
2. ĐÌNH ĐOÀI
Cách 30 m về phía Đông Nam là Đình Đoài; Đình đoài được xây dựng năm 1631 kiến trúc theo hình chữ đinh, niên hiệu Long Thái vua Mạc Kinh Khoan (1623 -1638)
Đình Đoài là nơi thờ bộ Tướng thời Hùng Vương. Hiệu là Quý Minh Đại Vương và Đô Thống Tôn Thần, cấp Thượng Đẳng và Trung Đẳng Thần tên húy là Cao Minh và Cao Tuấn
Tại ngôi Đình tối ngày 8/9/1951 bộ đội và du kích xã Chấn Hưng đã triển khai trận đánh tiểu đội lính Pháp. Tại đây có tấm bia tuyên thệ với lời thề quyết tử của những thanh niên trong làng trước khi lên đường tòng quân giết giặc
“ Ra đi xin có lời thề
Chưa đánh hết giặc chưa về Chấn Hưng”
Hình ảnh cô và trẻ dâng hương và thăm quan Đình Đoài
3. CHÙA PHONG QUANG
Cùng với Đền Phủ và Đình Đoài là Chùa phong Quang. Chùa được xây dựng vào năm 1590 niên hệu Hưng Tự Tam Niên vua Mạc Mậu Hợp. Và được xây dựng lại năm 2007. Chùa được xây dựng với kiến trúcThượng chồng hạ kẻ 5 con.
Trong thời kỳ chống thực dân Pháp Chùa là nơi chứa vũ lương thực của bộ đội và du kích huyện Tiên Lãng cũng là nơi làm việc của ủy ban hành chính xã Chấn Hưng xưa.
Cố nhà sư trụ trì chùa Thượng Tọa Thích Nguyên Di, là một chiến sĩ cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được Nhà nước tặng thưởng huân huy chương kháng chiến hạng nhất.
Đại đức : Thích Tục Phát. Hướng dẫn cô và trò thăm quan chùa .
Các bé không chỉ được thăm quan trong khuôn viên của chùa mà các bé còn được vào trong chùa lễ phật.
Các bé được lễ phật tại ban thờ Tam Bảo của chùa Phong Quang.
Các bé rất thích thú khi được Sư thầy giới thiệu về ý nghĩa của các pho tượng phật với nhiều các ý nghĩa khác nhau nhưng có cùng điểm chung đó là một ý nghĩa phải có hiếu với cha mẹ , luôn làm điều thiện , không làm điều ác.
Tượng Quan Âm Bồ Tát.
Tượng Bồ Tát Địa Tạng
Qua buổi thăm quan được nghe giảng dạy của sư Thầy các con được hiểu biết thêm về luật nhân quả, điều thiện, điều ác, việc lên làm và việc không lên làm.
Khi tham quan trẻ còn được trải nghiệm một số kĩ năng sống, mối quan hệ trong giao tiếp như: Biết chào hỏi người lớn, khi đến thăm các khu di tích thì phải đi nhẹ nhàng, không đùa nghịch. Khi vào thắp hương phải giữ trật tự. Ngoài ra trẻ còn được giáo dục một số thói quen, hành vi văn minh như không hái hoa, bẻ cành, không vứt rác ở nơi công cộng...
Mặc dù thời gian tham quan ở khu di tích không nhiều, nhưng những khuôn mặt ngây thơ của các bé ngời lên rạng rỡ, vui tươi và đầy hứng khởi. Các con đã có buổi thăm quan khu di tích của địa phương và các hoạt động ngoài trời đầy lý thú và hào hứng.
Việc tổ chức cho trẻ mầm non đi thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương thực sự bổ ích và thiết thực. Việc làm này không những giúp trẻ có thêm những hiểu biết về truyền thống lịch sử của địa phương mình đang sống mà từ đó hình thành ở trẻ tình yêu quê hương đất nước, "Gieo mầm" ở trong trẻ một suy nghĩ, một hành động đúng khi được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất văn hóa giàu truyền thống lịch sử này đồng thời cũng là dịp tuyên truyền đến các ban, ngành đoàn thể, các bậc phụ huynh và toàn thể nhân dân hiểu thêm về những hoạt động của các con khi tới trường mầm non.